Biên bản được UBND chứng thực có cần phải chứng minh?
- 06/11/2024
Nội dung vụ án
Cụ Dương Văn C (chết năm 2002) và cụ Phạm Thị L2 (chết năm 1996), các cụ có 5 người con là: bà Dương Thị T, bà Dương Thị L1, bà Dương Thị L, ông Dương Văn B, bà Dương Thị H1. Vợ chồng cụ C tạo lập được khối tài sản là 60.412,7m2 đất, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997, cụ thể:
1/ Thửa đất số 13, diện tích 7.513m2; thửa đất số 14, diện tích 984m2; thửa đất số 15 diện tích 12.147m2; thửa đất số 716, diện tích 15.800m2 đều tọa lạc tại ấp 3, xã Tân H, huyện Thạnh H, tỉnh Long An.
2/ Thửa đất số 654, diện tích 476,4m2; Thửa đất số 657, diện tích 5.098,9m2; thửa đất số 665, diện tích 2.665,1 m2; thửa đất số 689, diện tích 7.299m2; thửa đất số 735, diện tích 8.429,3m2 đều tọa lạc tại ấp Đ, xã Thạnh P, huyện Thạnh H, tỉnh Long An.
Toàn bộ các thửa đất nêu trên hiện do anh Dương Minh H là con của ông Dương Văn B đang quản lý sử dụng, anh H đã được cập nhật sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (từ cụ C sang tên cho anh H) căn cứ theo Biên bản họp gia đình ngày 20/8/2004.
Bà T, bà L và bà H1 đều xác định các bà không tham gia cuộc họp gia đình và không ký tên tại Biên bản ngày 20/8/2004. Vì vậy, việc anh H được chỉnh lý biến động sang tên quyền sử dụng đất đối với các thửa đất của vợ chồng cụ C là trái pháp luật.
Yêu cầu khởi kiện:
– Các nguyên đơn bà Dương Thị L, bà Dương Thị T yêu cầu hủy nội dung chỉnh lý biến động sang tên anh H trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng cụ C;
– Yêu cầu tuyên vô hiệu Biên bản họp gia đình ngày 20/8/2004;
– Yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với 3 thửa đất gồm: Thửa đất số 735, diện tích 8.429,3m2; thửa đất số 689, diện tích 7.299m2; thửa đất số 657, diện tích 5.098,9m2 thành 05 kỷ phần cho 5 người con của cụ C.
Bản án sơ thẩm
Tòa án nhân dân tỉnh Long An quyết định: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị T, bà Dương Thị L và bà Dương Thị H1 về việc “Tranh chấp yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất, yêu cầu tuyên vô hiệu biên bản họp gia đình” với anh Dương Minh H, chị Nguyễn Thị T2.
Bản án phúc thẩm
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 390/2022/DS-PT ngày 15/6/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm
Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 390/2022/DS-PT ngày 15/6/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 20/2021/DS-ST ngày 01/12/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, bởi:
– Các bên đã thống nhất toàn bộ diện tích đất trên là của cụ C, cụ C chết không để lại di chúc.
– Anh H cho rằng các con cụ C đã họp gia đình và ký các Biên bản họp gia đình ngày 20/11/2003, ngày 20/8/2004, nội dung thống nhất để lại toàn bộ diện tích đất nêu trên cho anh sử dụng nên anh H đã sang tên các thửa đất cho mình. Tuy nhiên, bà T, bà L, bà H1 không thừa nhận có việc họp gia đình, xác định không ký Biên bản họp gia đình, đền ghị giám định đối với chữ ký, chữ viết đề tên các bà.
– Biên bản họp gia đình ngày 20/11/2003 có ông Nguyễn Văn R (Trưởng ấp Đ) ký làm chứng ngày 20/11/2003, được Ủy ban nhân dân xã Thạnh P chứng thực ngày 01/12/2003. Biên bản họp gia đình ngày 20/8/2004 có ông R ký làm chứng ngày 05/9/2004, được Ủy ban nhân dân xã Thạnh P chứng thực ngày 08/9/2004.
– Tại Kết luận giám định số 4108/C09B ngày 31/10/2018 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận chữ ký, chữ viết mang tên bà Dương Thị T, bà Dương Thị L tại Biên bản ngày 20/8/2004 không phải chữ viết, chữ ký của bà T và bà L; chữ viết, chữ ký đề tên bà Dương Thị H1 không đủ cơ sở kết luận. Mặt khác, ông R không phải cán bộ Tư pháp xã giúp việc cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã thực hiện việc chứng thực, nên việc chứng thực của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh P tại các Biên bản họp gia đình nêu trên vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 11, khoản 2 Điều 24 Nghị định số75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực.
– Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án đã thu thập được bản chính Biên bản họp gia đình ngày 20/11/2003 và các nguyên đơn đã yêu cầu giám định và yêu cầu tuyên bố biên bản này vô hiệu. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng yêu cầu trên vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, nên không chấp nhận là không có căn cứ.
– Toà án cấp sơ thẩm cho rằng 2 Biên bản họp gia đình đã được Ủy ban nhân dân xã chứng thực là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh (trong khi việc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã Thạnh P vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực) là vi phạm các quy định về đánh giá chứng cứ.
– Cả hai Biên bản họp gia đình nêu trên đều thể hiện các con cụ C đồng ý cho anh H 3 thửa đất đang tranh chấp. Do đó, Toà án phải xem xét đánh giá tính hợp pháp của 2 Biên bản nêu trên, đểm xác định 3 thửa đất mà các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế có còn là di sản của vợ chồng cụ C hay không, mà không phụ thuộc vào yêu cầu của đương sự.
Như vậy, biên bản đã được UBND xã chứng thực vẫn phải được xác minh tính pháp lý của việc xác minh đó. Để đảm bảo chứng cứ được đánh giá đúng, khách quan.
Quyết định giám đốc thẩm số:33/2024/DS-GĐT, ngày 24-6-2024 của Tòa án nhân dân Tối cao
Xem thêm:
Giao dịch đặt cọc khi QSD đất đang thế chấp có vô hiệu không?
- Thủ Tục Cấc Sổ Đỏ 2025: Hướng Dẫn Chi Tiết Từ A Đến Z
- Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai Giữa Anh Em Ruột 2025: Tư Vấn, Thủ Tục, Chi Phí
- Thủ Tục Khởi Kiện Đòi Lại Đất Bị Lấn Chiếm 2025: Hồ Sơ, Mẫu Đơn, Chi Phí
- Đòi Bồi Thường Thiệt Hại Tài Sản Ra Sao? Thủ Tục, Mẫu Đơn & Chi Phí 2025
- Mức Xử Phạt Hành Vi Xây Dựng Trái Phép 2025: Quy Định, Mức Phạt, Cưỡng Chế
