Bản án xác định con nuôi thực tế để được phân chi di sản
- 02/12/2024
Bản án bị hủy xét xử lại nhiều lần vì việc xác định con nuôi thực tế và nguồn gốc di sản không chính xác.
Nội dung khởi kiện xác nhận con nuôi thực tế và di sản:
Bà Đỗ Thị T5 không lấy chồng, nhưng có một người con nuôi là chị Đỗ Đức Phương C3. Ngày 27/6/2002 chị C3 đăng ký kết hôn với anh Thiều Văn C1. Vợ chồng có 02 con chung là cháu Thiều Thụy Thùy T7, sinh ngày 19/10/2002 và cháu Thiều Đỗ Gia H4, sinh ngày 19/02/2004.
Ngày 05/3/2007 chị C3 chết, ngày 10/2/2009 bà T5 chết đều không để lại di chúc.
Di sản bà T5 để lại là thửa đất số 203, Tờ bản đồ số 12, diện tích 127,3m2 tại khối 7 (tổ 12 cũ), phường L, thành phố H (đã được cấp giấy chứng nhận số AC 188680), trên đất có ngôi nhà cấp 4 và tài sản khác gắn liền với đất.
Năm 2011, anh C1 về sửa nhà, khai nhận di sản cho T7 và H4 thì ông Đỗ Quang V ngăn cản không cho sửa và khai nhận thừa kế cho hai cháu.
C1 khởi kiện V yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế tài sản của bà Đỗ Thị T5 giữa anh và ông Đỗ Quang V và công nhận hai cháu Thiều Thụy Thùy T7 và cháu Thiều Đỗ Gia H4 được hưởng toàn bộ di sản do bà T5 để lại.
Trong quá trình giải quyết:
– Bị đơn – Ông Đỗ Quang V cho rằng: Quan hệ nuôi con nuôi giữa bà T5 và chị C3 không không có cấp chính quyền nào thừa nhận. Còn về thửa đất 203 có nguồn gốc do Ủy ban nhân dân thị xã H (nay là thành phố H) cấp cho cụ Đỗ Bá M (chết năm 1978) và cụ Hồ Thị L (chết năm 1993) là di sản của bố mẹ của ông để lại. Bà T5 là con của hai cụ, vì không lấy chồng nên sống cùng hai cụ và khi hai cụ chết bà T5 là người quản lý di sản. Việc Ủy ban nhân dân thị xã H ban hành Quyết định số 1212/QĐ-UB ngày 01/8/2005 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T5 là trái với quy định. Do đó, ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đồng thời yêu cầu hủy một phần Quyết định số 1212/QĐ-UB ngày 01/8/2005 của Ủy ban nhân dân thị xã H liên quan đến phần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đỗ Thị Thanh T5.
– Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan – Bà Đỗ Thị T2 trình bày: Vợ chồng cụ Đỗ Bá M (chết năm 1978) và cụ Hồ Thị L (chết năm 1993) sinh được 07 người con là:
1. Đỗ Thị H1 (chết từ nhỏ),
2. Đỗ Xuân T1 (chết năm 11 tuổi),
3. Đỗ Thị H2 (chết năm 1943),
4. Đỗ Xuân V (chết năm 1997),
5. Đỗ Thị Tuyết N (chết năm 1994),
6. Đỗ Thị T5 (chết năm 2009)
7. Đỗ Thị T2
Di sản của cụ M và cụ L là thửa đất số 203. Cụ M và cụ L chết không để lại di chúc và sau khi hai cụ chết thì bà T5 tiếp tục ở và quản lý nhà đất nêu trên, không có ai tranh chấp về tài sản thừa kế. Đây là tài sản hai cụ để lại cho toàn bộ con cháu và trong khi đó trước đây bà T5 đã bán một phần diện tích đất của bố mẹ của bà để lại cho bà Phan Thị Thanh T8. Do đó, bà đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà T5 và bà T8 và yêu cầu Tòa án trả lại nguyên trạng thửa đất và tài sản gắn liền với đất mà bố mẹ của bà để lại.
– Ủy ban nhân dân thành phố H xác định: Bà T5 được cấp GCNQSD đất theo Quyết định 1212/QĐ-UB ngày 01/8/2005 của UBND thị xã H là đúng quy trình thủ tục, phù hợp với luật đất đai năm 2003. Việc ông Đỗ Quang V yêu cầu hủy phần Quyết định 1212 nêu trên là không có cơ sở và Ủy ban nhân dân thành phố H không chấp nhận.
– Ủy ban nhân dân phường L xác định: Trong bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T5 bao gồm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy xác nhận nguồn gốc đất ở. Tại hai văn bản này, bà T5 kê khai không thống nhất, đó là tại đơn xác nhận nguồn gốc đất thì kê khai bà T5 được cấp năm 1973, còn tại đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì kê khai thừa kế của cha mẹ. Kê khai hồ sơ là việc của công dân còn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân phường là thẩm định hồ sơ nguồn gốc đất để xác nhận hồ sơ. Qua kết quả kiểm tra hồ sơ lưu trữ 299 và 371, Ủy ban nhân dân phường đã xác nhận nguồn gốc đất cho bà T5. Do không có bất cứ tài liệu nào chứng minh đất là của cụ M, cụ L nên không thể yêu cầu bà T5 bổ sung văn bản phân chia thừa kế.
Về hồ sơ hộ tịch của chị Đỗ Đức Phương C3: Phường L thành lập từ năm 1981 nhưng đến 1982 Ủy ban nhân dân phường mới lưu trữ sổ hộ tịch. Còn chị C3 sinh ngày 10/11/1979 và đã đăng ký khai sinh tại UBND thị xã H, tỉnh Nghệ Tĩnh nay là UBND thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh thì năm 2007 người nhà của chị C3 đưa bản chính giấy khai sinh đến UBND phường L đề nghị cấp bản sao giấy khai sinh.
– Bản án dân sự sơ thẩm số 42/2015/DS-ST ngày 29/12/2015 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh, quyết định: (1) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công nhận cháu T7 và cháu H4 được quyền thừa kế đối với di sản bà Đỗ Thị T5 là Đất và tài sản gắn liền với đất. (2) Bác yêu cầu của bị đơn về việc hủy một phần Quyết định số 1212/QĐ-UB việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đỗ Thị T5.
– Có kháng cáo của ông V và bà T2, Bản án dân sự phúc thẩm số 20/2016/DS-ST ngày 03/6/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, quyết định: Hủy Bản án sơ thẩm. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố H xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Tuy nhiên, vì xác định không đúng thẩm quyền nên Tòa án thành phố H chuyển hồ sơ vụ án lên cho Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giải quyết.
– Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2017/DSST ngày 14/6/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, quyết định: (1) Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc công nhận quyền thừa kế đối với toàn bộ di sản của bà Đỗ Thị T5 để lại. (2) Chấp nhận yêu cầu của Bị đơn và Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về việc hủy một phần Quyết định số 1212/QĐ-UB cấp GCNQSD cho bà Đỗ Thanh T5; Tạm giao cho bị đơn ông V và bà T2 quản lý đất và tài sản gắn liền với đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: AC 188680.
– Nguyên đơn kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định kháng nghị số 29/QĐKNPT-VKS-DS ngày 29/6/2017.
Nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
– Về quan hệ thừa kế: Theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì năm 1979, bà Đỗ Thị T5, sinh năm 1932 (không có chồng) nhận chị Đỗ Đức Phương C3 làm con nuôi nhưng không thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án phía gia đình bị đơn thừa nhận chị C3 được bà T5 nhận nuôi năm 1979.
Quá trình nuôi dưỡng, gia đình có hỗ trợ kinh phí để bà T5 chăm sóc, nuôi dưỡng chị C3 đến tuổi trưởng thành. Khi chị C3 đi học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh, bà T5 bỏ tiền nuôi ăn học và có sự hỗ trợ kinh phí từ phía gia đình bị đơn. Mối quan hệ mẹ nuôi, con nuôi giữa bà T5 và chị C3 tồn tại trên thực tế, được phía gia đình bị đơn thừa nhận.
Đồng thời căn cứ vào sổ hộ khẩu gia đình bà Đỗ Thị T5 do Công an thị xã H (nay là Công an thành phố H) cấp năm 1995, thể hiện chị C3 có quan hệ với bà T5 là con, ngoài chị C3 thì bà T5 không có con nào khác. Theo quy định, chị C3 là con nuôi thực tế. Nên, chị C3 là người thừa kế duy nhất ở hàng thừa kế thứ nhất của bà T5.
Chị C3 (chết năm 2007) và bà T5 (chết năm 2009) cả hai không để lại di chúc nên hai cháu T7 và H4 được thừa kế thế vị di sản của bà T5
– Về di sản tranh chấp: Thửa đất số 203, đã được cấp giấy chứng nhận số AC 188680 ngày 01/8/2005 đứng tên bà T5 có nguồn gốc được Ủy ban nhân dân thị xã H cấp năm 1973. Tuy nhiên, trước năm 1985 không có hồ sơ lưu trữ việc thửa đất đang tranh chấp cấp cho ai. Nhưng tại bản đồ 299 và sổ mục kê năm 1985 có số thửa 496, mang tên bà Đỗ Thị T5. Tại bản đồ 371 đo vẽ năm 1995 có số thửa 203, Tờ bản đồ số 12 mang tên Đỗ Thị T2 (việc sai sót do ghi chép). Năm 2004, bà T5 làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bà T5 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định 1212/QĐ-UB ngày 01/8/2005 của Ủy ban nhân dân thị xã H. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định khi Nhà nước thực hiện đăng ký thống kê về đất đai theo chỉ thị 299 cũng không thể hiện ai là người đứng tên kê khai thửa đất là không đúng.
Tại Công văn số 17/UBND ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân phường L, thành phố H (trả lời phúc đáp công Văn 01/2017/CV-TA của Tòa án nhân dân Hà Tĩnh) xác nhận nguồn gốc đất cho bà T5. Do không có bất cứ tài liệu nào chứng minh đất là của cụ M, L.
Tòa án cấp sở thẩm căn cứ vào bản kê khai nguồn gốc đất của bà T5 kê khai nguồn gốc đất “thừa kế của cha mẹ” và Ủy ban nhân dân phường L xác nhận “đất hộ bà Đỗ Thị Thanh T5 thuộc đất nguồn gốc” và các nhân chứng sống cùng thời điểm, cùng khối phố đều khẳng định nguồn gốc thửa đất của hai cụ Đỗ Bá M, Hồ Thị L; bà T5 không lấy chồng nên đã sống cùng hai cụ M, Ltrên thửa đất này và căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 21, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 về xác định nguồn gốc đất và thời điểm sử dụng đất đã khẳng định diện tích 127,3m2 thửa 203 hiện đang tranh chấp có nguồn gốc của cụ M, L được Ủy ban nhân dân thị xã H cấp năm 1973 là chưa đủ căn cứ.
Ngoài ra, trên thửa đất tranh chấp hiện tại có 01 ngôi nhà cấp 4 diện tích 46,72m2 xây dựng khoảng năm 1995, theo nguyên đơn ngôi nhà này của bà T5, còn theo phía bị đơn cho rằng là nhà của phía gia đình bị đơn xây dựng, Tòa án cấp sơ thẩm cũng không xem xét nguồn gốc và giá trị căn nhà này để giải quyết triệt để vụ án là chưa đầy đủ.
Do vậy, kháng cáo của nguyên đơn là có cơ sở và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh là có căn cứ một phần.
Tuy nhiên, với việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và việc thu thập, đánh giá chứng cứ nêu trên. Tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được. Do đó, cần thiết phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, qua nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có thể thấy: Tuy không có việc đăng ký con nuôi. Nhưng thực tế có quan hệ mẹ, con nuôi thông qua việc có thừa nhận từ gia đình, công an địa phương xác nhận,… người con nuôi có thể được xác định là con nuôi thực tế và được chia di sản theo quy định pháp luật.
Cần lưu ý về thời điểm xác lập quan hệ mẹ, con nuôi; thời điểm những người này chết; có việc đăng ký với cơ quan nhà nước hay không,… khi xem xét toàn diện thì mới được xem xét công nhận vì hiện nay đã có quy định về thời hạn đăng ký nuôi con nuôi, không đăng ký sẽ không được công nhận (Luật nuôi con nuôi 2010).
Xem chi tiết: Bản án 69/2018/DSPT ngày 09/03/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
Xem thêm: Bản án căn cứ vào độ cao thấp của đất để xác định ranh giới đất