QUYỀN LƯU CƯ CỦA VỢ HOẶC CHỒNG SAU KHI LY HÔN ?
- 02/10/2024
Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn được quy định trong BLDS được hiểu như thế nào ?
1. Khái niệm về ly hôn theo quy định của luật hôn nhân gia đình
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định:
- Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.
- Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
2. Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn là như thế nào?
Trong thực tế, sau khi ly hôn, một bên vợ hoặc chồng chưa thể sắp xếp được chỗ ở do nhiều nguyên do chủ quan hoặc khách quan: thời gian gấp gáp, điều kiện kinh tế chưa cho phép,… Pháp luật đã dự tính trường hợp này và quy định cụ thể về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn trong Luật hôn nhân và gia đình như sau:
Theo Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền lưu cư sau khi ly hôn, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn có khó khăn về chỗ ở và tạo điều kiện cho họ có thời gian tìm chỗ ở khác :
“Điều 63. Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn
Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
2.1. Căn cứ phát sinh quyền lưu cư
Từ quy định trên, quyền lưu cư được hiểu là quyền tiếp tục được cư trú tại nhà ở thuộc quyền sở hữu của vợ hoặc chồng trong một khoảng thời gian nhất định. Quyền lưu cư chỉ phát sinh khi vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở. Việc xác định có khó khăn về chỗ ở là một vấn đề khó, thường thì sẽ do các bên thỏa thuận hoặc tòa án sẽ xác định, đó có thể là do khó khăn về kinh tế nên chưa thể mua được nhà, thuê được nhà ở tạm thời; bị nhà nước thu hồi đất để phục vụ công tác giải phòng mặt bằng mà chưa được giải quyết về chỗ ở, hoặc các trường hợp khác. Vấn đề khó khăn về chỗ ở phải thực sự cấp thiết, thực tế, khách quan mà không thể khắc phục được, buộc vợ hoặc chồng phải lưu cư và được bên vợ (chồng) còn lại tôn trọng và bảo đảm quyền cho họ.
2.2. Thời hạn lưu cư
Thời hạn lưu cư được pháp luật quy định là trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, tức là kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật. Đánh giá sơ bộ về khoảng thời gian luật định, 06 tháng là con số khá hợp lý, đủ cơ bản để vợ hoặc chồng chuẩn bị chỗ ở mới và giải quyết những khó khăn về chỗ ở của mình. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi dựa trên thỏa thuận của vợ chồng, sao cho phù hợp nhất và đó cũng là điều mà pháp luật mong muốn, tôn trọng ý chí của các bên trong một mối quan hệ đã từng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Trên cơ sở tìm hiểu quy định về lưu cư, tóm lại một số vấn đề cần lưu ý đối với quyền lưu cư của vợ, chồng như sau: Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng phải đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất, Nhà ở mà vợ (chồng) thực hiện quyền lưu cư là tài sản riêng của vợ (chồng) đã đưa vào sử dụng chung hoặc đó là tài sản được tòa án chia cho một bên vợ hoặc chồng;
Thứ hai, Vợ (hoặc chồng) có quyền lưu cư khi gặp những khó khăn về chỗ ở;
Thứ hai, Thời hạn lưu cư trong khoảng thời gian tối đa là 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt hoặc khoảng thời gian khác do các bên thỏa thuận.
Xem thêm: Đòi lại nhà đất cho con rể (cũ) ở nhờ