Đòi lại nhà đất cho con rể (cũ) ở nhờ
- 28/08/2024
TÌNH HUỐNG VỀ ĐÒI NHÀ ĐẤT CHO Ở NHỜ
“Tôi đang gặp vấn đề như này mong Luật sư 11 tư vấn giúp tôi.
Năm 1995, tôi được cấp quyền sử dụng đất đối với hơn 655 m2, tại phường L, quận C, thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2003, con gái tôi kết hôn với anh H, năm 2008, tôi nhận được tiền đền bù nên tôi có xây 4 căn nhà cấp 4 với diện tích mỗi căn là 40m2 trên diện tích 655 m2. Tôi để cho con gái và chồng ở nhờ một căn.
Năm 2013, con gái tôi và anh H ly hôn theo Quyết định thuận tình của tòa án. Do ông H không có nhà để ở, nên tôi để cho H và cháu N ở lại căn nhà trên để nuôi con.
Trong thời gian ở lại căn nhà ông H có ý định chiếm đoạt căn nhà, nên tôi yêu cầu ông H và cháu N phải trả lại căn nhà trên.
Tôi đã nhiều lần yêu cầu H chuyển đi để trả nhà đất cho tôi, nhưng H không chấp nhận.
Mong luật sư trả lời giúp tôi, tôi có thể đòi lại nhà đất không?. Làm sao để tôi đòi lại được nhà đất của mình khi H không chịu trả?.
Xin cảm ơn!”
NỘI DUNG TƯ VẤN
Thứ nhất, về khả năng để đòi nhà đất cho ở nhờ
Căn cứ vào những thông tin bạn đưa ra thì bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu ông H chuyển đi, trả lại nhà đất bởi:
1/ Hiện tại bạn vẫn được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sỡ hữu nhà ở đối với toàn bộ diện tích khoảng 655m2 trên;
2/ Giữa bạn và con gái cũng như ông H không có giao dịch tặng cho/ chuyển nhượng đối với nhà đất trên;
3/ Bạn là người bỏ tiền ra để xây nhà ông H không có đóng góp nào đối với việc xây dựng căn nhà đang tranh chấp; …
Thứ hai, cách thức để đòi nhà đất cho ở nhờ.
Bước 1, gửi thông báo yêu cầu trả nhà: Trước tiên, bạn cần gửi thông báo yêu cầu ông H trong một khoảng thời gian hợp lý phải trả lại nhà đất. Thông báo này được lập thành văn bản và có chữ ký của bạn.
Bước 2, hòa giải tại UBND cấp xã: Nếu ông H không chịu trả nhà, bạn có thể gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã / phường nơi có đất tranh chấp, cụ thể là UBND phường L.
Bước 3, Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:
Hồ sơ khởi kiện cần bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện.
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà đất.
– Biên bản hòa giải không thành (nếu có).
– Các tài liệu, chứng cứ khác liên quan để chứng minh yêu cầu khởi kiện.
Bước 4, khởi kiện tại Tòa án: Nếu hòa giải không thành, bạn nộp đơn khởi kiện và hồ sơ kèm theo tại Tòa án nhân dân Quận C để đòi lại nhà đất.
Bước 5, thực hiện quyết định của Tòa án: Sau khi Tòa án ra quyết định, bạn cần thực hiện theo quyết định đó. Nếu Tòa án xác định nhà đất là của bạn mà ông H vẫn không chịu trả nhà, bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện cưỡng chế thi hành án.
Trên thực tế quá trình soạn đơn khởi kiện, thu thập hồ sơ, tham gia tố tụng đòi hỏi cần có nhiều kỹ năng, kiến thức pháp lý. Nếu bạn cần tư vấn kỹ hơn có thể liên hệ trực tiếp để được tư vấn miễn phí.
Xem thêm:
Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai khi nào?