Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có được ủy quyền để lập văn bản phân chia di sản trong nước ?
- 26/10/2024
TÌNH HUỐNG:
Bố tôi chết năm 2021 có để lại một ngôi nhà và 01 ha đất (có bìa đỏ). Trước khi chết, ông không có để lại di chúc nên khối di sản được chia theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, một trong 3 người con của ông đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc không thể về làm thủ tục nhận thừa kế được. Vậy người đó có thể làm giấy ủy quyền cho một trong hai người anh em ở Việt Nam lập văn bản phân chia di sản thừa kế và nhận thừa kế được không ?
NỘI DUNG TƯ VẤN:
Thứ nhất: trong trường hợp này không thể làm giấy ủy quyền được.
Theo quy định tại điểm d, Khoản 4, Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/5/2015 thì thủ tục chứng thực chữ ký được áp dụng đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền, khi hành vi ủy quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: không có thù lao; không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền; không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản. Do vậy không thể chứng thực chữ ký đối với giấy ủy quyền thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất như bạn hỏi được.
Theo khoản 3, Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp ban hành ngày 03/3/2020 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thì việc ủy quyền cho người khác tham gia phân chia, định đoạt quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Các bên phải xác lập hợp đồng ủy quyền và thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật.
Thứ hai: phải tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Người ủy quyền cho người khác đại diện cho mình thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, bình thường ở trong nước cần đến Văn phòng/Phòng công chứng lập hợp đồng ủy quyền. Theo quy định tại khoản 2, Điều 55 Luật Công chứng 2014, trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Người anh em của bạn đang làm việc và cư trú ở Hàn Quốc trong trường hợp này muốn làm thủ tục ủy quyền thì phải chuẩn bị một bộ hồ sơ cần thiết (01 bản sao y hộ chiếu, 01 bản sao y giấy cư trú ở Hàn Quốc, 01 bản sao y giấy chứng tử của người cha, 01 bản sao giấy khai sinh, 01 bản sao y giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là di sản và dự thảo bản hợp đồng ủy quyền + 01 bản sao y CCCD/CMND của người được ủy quyền) đến Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại Hàn Quốc để được công chứng hợp đồng ủy quyền (một bên) theo quy định tại khoản 1, Điều 78 Luật Công chứng 2014.
Sau khi được Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại Hàn Quốc hoàn tất thủ tục công chứng thì gửi 02 bản hợp đồng này về cho người được ủy quyền tại Việt Nam ra Văn phòng/Phòng Công chứng tại địa phương cư trú (tỉnh/thành) hoàn tất thủ tục công chứng (ký nối/ký thụ ủy).
Thứ ba: không được ủy quyền cho đồng thừa kế khác lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 thì một cá nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.
Như vậy, một đồng thừa kế không thể ủy quyền cho đồng thừa kế khác tham gia lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được.
Trường hợp người anh em của bạn đang xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc nói trên và 02 người anh em ở Việt Nam là các đồng thừa kế. Nếu người đó ủy quyền cho một trong 02 đồng thừa kế tại Việt Nam lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì rõ ràng người được ủy quyền vừa nhân danh bản thân mình, vừa nhân danh đại diện theo ủy quyền của đồng thừa kế ở Hàn Quốc tham gia thỏa thuận là trái với quy định của điều luật đã viện dẫn ở trên. Do vậy, người này không thể ủy quyền cho bất cứ ai trong 02 anh em của mình ở Việt Nam hay các đồng thừa kế khác mà phải ủy quyền cho người khác không cùng hàng thừa kế.
Trên đây là nội dung tư vấn về câu hỏi của bạn. Nếu có thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể liên hệ chúng tôi để được giải đáp miễn phí.
XEM THÊM:
- Tải KMSpico Full Crack ✓ Kích hoạt Windows & Office 2024
- NHẬN ĐẤT ĐỔI RUỘNG TỪ THỜI BAO CẤP: CÓ ĐƯỢC CẤP SỔ KHÔNG?
- Mua đất do người lạ bán, sau này mới biết không phải chủ – Làm sao xử lý đúng luật?
- Khi hàng xóm lấn ranh đất – Pháp luật bảo vệ bạn thế nào?
- Tranh chấp đất không có giấy tờ: Cách xử lý đúng luật
