Xác định công sức của người quản lý di sản khi chia thừa kế
- 21/10/2024
Khi giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Tòa án phải xét đến công sức của người quản lý di sản. Vậy công sức của người này được xác định như thế nào?
Người quản lý di sản
Theo Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 616. Người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.”
Như vậy, có thể hiểu người quản lý di sản là người thực hiện việc quản lý tài sản mà người chết để lại. Người quản lý tài sản có thể được xác định thông qua:
- Chỉ định trong di chúc
- Cử ra theo thỏa thuận của những người thừa kế
- Đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý (khi di chúc không chỉ định và những người thừa kế chưa cử ra)
Người quản lý di sản được hưởng chi phí bảo quản di sản
Người quản lý di sản phải có nghĩa vụ như: Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp; Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;… (Điều 617 Bộ luật Dân sự 2015)
Vì họ đã bỏ công sức ra để bảo quản, có khi còn làm tăng giá trị di sản. Do đó, họ có quyền được thanh toán chi phí bảo quản di sản theo Điều 618 Bộ luật Dân sự 2015.
Tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định chị phí bảo quản di sản nằm ở thứ tự ưu tiên thứ 3 khi thanh toán toán các chi phí liên quan đến thừa kế.
“Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác.”
Tại Án lệ 05/2026/AL ghi nhận:
“Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức.”
Như vậy, pháp luật có những chế định để bảo vệ quyền lợi của Người quản lý di sản, đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Xác định chi phí bảo quản di sản
Pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về khoản chi phí mà người quản lý di sản được nhận, cũng như trường hợp nào được nhận, trường hợp nào không được thanh toán chi phí này.
Thực tiễn có một số vấn đề khi giải quyết vụ án tranh chấp thừa kế Tòa án sẽ xác định:
1. Người quản lý di sản có được hưởng chi phí bảo quản di sản hay không
Thẩm phán sẽ xem xét 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Trong quá trình quản lý di sản, người quản lý di sản làm tăng giá trị di sản (sửa chữa, xây dựng thêm…) thì có thể tính công sức cho họ.
- Trường hợp 2: Nếu trong quá trình quản lý di sản, họ được lợi từ việc khai thác di sản (cho thuê nhận tiền thuê,…) thì không được tính công sức.
Do đó, khi phân chia di sản phải xác định người quản lý di sản có được tính công sức để hưởng chi phí bảo quản di sản hay không.
2. Mức chi phí mà người quản lý di sản được hưởng
Về mức chi phí cụ thể thì Thẩm phán có thể xem xét trích công sức bảo quản không quá một suất thừa kế nếu được chia theo pháp luật. Việc áp dụng mức chi phí này đã được ghi nhận tại các bản án của Tòa án, dưới đây là một ví dụ:
Nguyễn Văn V2 (chết ngày 23/5/1980) và bà Dương Thị S (chết ngày 10/05/2005) có 08 người con chung là:
- Bà Nguyễn Thị S1, sinh năm 1939 – chết năm 2006 có 6 người con;
- Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1945;
- Ông Nguyễn Văn Th2, sinh năm 1947 – chết ngày 21/6/1973, không có vợ con;
- Bà Nguyễn Thị Ái Ph, sinh năm 1949;
- Bà Nguyễn Thị Ái Th1, sinh năm 1952;
- Bà Nguyễn Thị Ái Tr, sinh năm 1955;
- Bà Nguyễn Thị Ái V, sinh năm 1956;
- Ông Nguyễn Công X, sinh năm 1961
Ông V2 và bà S có tài sản chung là nhà, đất số 100/54 (số cũ là 100/49) đường L, Phường M, quận B, Thành phố H, diện tích đất 92,2m2, diện tích xây dựng là 84,8m2, kết cấu tường gạch, mái tôn, sân. Tổng giá trị là: 9.271.038.002 đồng.
Bà Nguyễn Thị Ái V và ông Nguyễn Công X là người sinh sống tại nhà đất tranh chấp từ khi sinh ra cho đến nay, có công cải tạo, gìn giữ di sản chia thừa kế. Do đó, cho bà Nguyễn Thị Ái V và ông Nguyễn Công X được nhận số tiền tương đương 01 kỷ phần thừa kế theo pháp luật (mỗi người được nhận ½ kỷ phần thừa kế) đối với công sức đóng góp trong việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế…
Xem thêm: Tài sản được tặng cho riêng nhưng xác định là tài sản chung