Những nội dung cần có trong Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất
- 24/07/2024
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là “Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất”) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan khi thực hiện giao dịch mua bán/chuyển nhượng nhà đất. Nó là văn bản pháp lý quan trọng để thỏa thuận các điều khoản về chuyển nhượng nhà đất, giá trị mua bán, và quyền, nghĩa vụ của các bên trong quá trình giao dịch. Như vậy, Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nên có những nội dung nào để đảm bảo tính hợp pháp giúp bảo vệ tối đa quyền lợi của bạn, tránh rủi ro pháp lý về sau?.
1. Hình thức Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
2. Chủ thể tham gia ký kết Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất
Chủ thể tham gia ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải được tất cả những người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký kết.
3. Điều kiện để Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất có hiệu lực pháp luật
– Năng lực hành vi dân sự của chủ thể ký kết: Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải đảm bảo đủ đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện hợp đồng.
– Tự nguyện và không vi phạm luật: Hợp đồng dựa trên tinh thần tự nguyện của hai bên và không vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
– Hình thức hợp đồng: Đảm bảo đúng quy định của pháp luật tại mục 1.
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Đất được chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Không tranh chấp: Đất không có tranh chấp.
– Không kê biên để bảo đảm thi hành án: Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất: Đất được chuyển nhượng phải nằm trong thời hạn sử dụng đất.
4. Những nội dung cần có trong Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất
Chủ thể tham gia ký hết:
– Đối với cá nhân: Ghi đầy đủ thông tin về họ tên; ngày sinh; số Căn cước công dân; ngày cấp; nơi cấp; địa chỉ thường trú (theo đúng thông tin trên căn cước công dân); địa chỉ liên hệ; số điện thoại liên hệ.
– Đối với pháp nhân: Ghi đầy đủ tên pháp nhân, mã số doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền, địa chỉ, số điện thoại.
Đảm bảo ghi đầy đủ tất cả thông tin của những chủ thể tại mục 2.
Đối tượng chuyển nhượng:
– Đối với quyền sử dụng đất: Ghi đầy đủ mọi thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm: thửa đất số; tờ bản đồ số; diện tích; địa chỉ; hình thức sử dụng; mục đích sử dụng; thời hạn sử dụng; nguồn gốc sử dụng; số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; số vào sổ cấp giấy chứng nhận; ngày cấp; nơi cấp, …
– Đối với quyền sở hữu nhà ở: Ghi đầy đủ thông tin như địa chỉ; diện tích xây dựng; diện tích sàn; kết cấu; cấp (hạng); số tầng; năm hoàn thành xây dựng; thời hạn sở hữu, …
– Đối với những tài sản khác gắn liền với đất: Ghi cụ thể chi tiết về tên, đặc điểm, vị trí, …
Giá chuyển nhượng, phương thức và hình thức thanh toán:
– Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sỡ hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải được ghi đầy đủ bằng số và chữ viết.giá kèm các đợt thanh toán, phương thức thanh toán.
– Phương thức thanh toán: Tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên về số đợt thanh toán, tiền thanh toán mỗi đợt, ngày thanh toán để thể hiện rõ trong hợp đồng.
Ví dụ:
“Phương thức thanh toán: Bên B thanh toán cho bên A theo hai đợt như sau (không tính đợt đóng tiền cọc):
Đợt 1 : 1.150.000.000 đồng (một tỷ một trăm năm mươi triệu đồng), được thanh toán ngay sau khi ký hợp đồng này tại Phòng công chứng. Bên B chỉ phải đóng 1.050.000.000 đồng ( một tỷ không trăm năm mươi triệu đồng), 100 triệu còn lại được cấn trừ vào số tiền đặt cọc đã đóng cho bên A.
Đợt 2: Số tiền còn lại: 200.000.000 VNĐ (hai trăm triệu đồng) được thanh toán ngay sau khi sau khi có giấy chứng nhận sang tên Bên B.”
– Hình thức thanh toán:
Có thể bằng tiền mặt (hai bên phải lập thêm giấy biên nhận thanh toán) hoặc chuyển khoản (ghi rõ nội dung thông tin chuyển khoản gồm Tên ngân hàng; số tài khoản; tên người thụ hưởng).
Lưu ý: Đối với các giao dịch bất động sản giữa chủ thể chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản và khách hàng kể từ ngày 01/08/2024phải thanh toán qua hình thức chuyển khoản.
Điều 48 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về Thanh toán trong kinh doanh bất động sản
Chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giấy tờ nhà đất:
Nên ghi rõ thời điểm chuyển giao; trách nhiệm gìn giữ, bảo quản nhà đất và các giấy tờ liên quan trước khi chuyển giao.
Đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất:
Nên ghi rõ bên có nghĩa vụ thực hiện đăng ký.
Một số điều khoản khác:
– Trách nhiệm nộp thuế, lệ phí.
– Phương thức giải quyết tranh chấp.
– Cam đoan của các bên.
– Điều khoản phạt vi phạm.
Trên đây là một số nội dung cơ bản cần có trong Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Nội dung hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đòi hỏi phải được hai bên thỏa thuận và thống nhất. Nó có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bạn không cẩn thận, để tránh trường hợp “Bút sa gà chết” bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia. Luật sư 11 luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí cho bạn.
- Thủ Tục Cấc Sổ Đỏ 2025: Hướng Dẫn Chi Tiết Từ A Đến Z
- Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai Giữa Anh Em Ruột 2025: Tư Vấn, Thủ Tục, Chi Phí
- Thủ Tục Khởi Kiện Đòi Lại Đất Bị Lấn Chiếm 2025: Hồ Sơ, Mẫu Đơn, Chi Phí
- Đòi Bồi Thường Thiệt Hại Tài Sản Ra Sao? Thủ Tục, Mẫu Đơn & Chi Phí 2025
- Mức Xử Phạt Hành Vi Xây Dựng Trái Phép 2025: Quy Định, Mức Phạt, Cưỡng Chế
