Các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất?
- 29/11/2024
Tài sản gắn liền với đất là gì?
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về tài sản gắn liền với đất như sau:
“Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.”
Tài sản gắn liền với đất được hiểu là những tài sản vật chất không thể di chuyển tách rời với đất mà không gây thiệt hại cho tài sản hay đất bao gồm nhà ở, các công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024?
Căn cứ Điều 105 Luật Đất đai 2024 quy định về các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 8 Điều 81, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 82 của Luật này.
2. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập trong thời hạn hiệu lực của thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
3. Tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn.
Chủ sở hữu tài sản quy định tại khoản này được hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời.
4. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác mà chủ sở hữu công trình xác định không còn nhu cầu sử dụng trước thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, tài sản gắn liền với đất thuộc các trường hợp thu hồi đất sau sẽ không được bồi thường:
– Sử dụng đất không đúng mục đích và tiếp tục vi phạm sau khi đã xử phạt;.
– Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
– Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
– Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà thuộc trường hợp không được chuyển nhượng, tặng cho.
– Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
– Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục.
– Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản.
– Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất.
Bên cạnh đó, tài sản gắn liền với đất mà được tạo lập trái phép hay trong thời hạn thông báo thu hồi đất, hoặc tài sản là công trình không còn nhu cầu sử dụng trước thời điểm có quyết định thu hồi đất cũng sẽ không được bồi thường.
Xem thêm:
- Thủ Tục Cấc Sổ Đỏ 2025: Hướng Dẫn Chi Tiết Từ A Đến Z
- Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai Giữa Anh Em Ruột 2025: Tư Vấn, Thủ Tục, Chi Phí
- Thủ Tục Khởi Kiện Đòi Lại Đất Bị Lấn Chiếm 2025: Hồ Sơ, Mẫu Đơn, Chi Phí
- Đòi Bồi Thường Thiệt Hại Tài Sản Ra Sao? Thủ Tục, Mẫu Đơn & Chi Phí 2025
- Mức Xử Phạt Hành Vi Xây Dựng Trái Phép 2025: Quy Định, Mức Phạt, Cưỡng Chế
